Đi Phỏng Vấn Xin Việc Cần Chuẩn Bị Gì?

Sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, các bạn học sinh sẽ lựa chọn cho mình một ngôi trường đại học có uy tín, chất lượng đào tạo tốt để sau này khi ra trường các bạn sẽ tìm cho mình được một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn. Nhưng trong một số trường hợp, tuy các bạn là một người có kiến thức chuyên môn, có các kỹ năng máy tính, tiếng Anh nhưng bạn lại không chú ý đến tác phong, thái độ khi đi phỏng vấn dẫn đến kết quả của bạn không như mong đợi. Bài viết sau sẽ cho bạn biết đi phỏng vấn xin việc cần chuẩn bị gì?

  1. Tác phong lịch sự, chỉn chu

Tác phong của bạn là thứ đầu tiên đập vào mắt nhà tuyển dụng vì vậy bạn cần phải ăn mặc lịch sự, gọn gàng, tạo cảm giác thân thiện. Không nên mặc trang phục có màu sắc quá nổi bật, hở hang, hay quá kiểu cách sẽ tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác bạn là người không nghiêm túc. Đối với nữ thì nên mặc áo sơ mi trắng kết hợp với quần tối màu hay chân váy và đi giày, đối với nam trang phục đi phỏng vấn là một chiếc áo sơ mi màu nhẹ nhàng kết hợp với quần tối màu và đi giày.

  • Chuẩn bị tinh thần thoải mái, tự tin

Tuy việc chuẩn bị tất cả mọi thứ cho buổi phỏng vấn một cách kỹ lưỡng là rất tốt nhưng đừng vì thế mà tự tạo cho mình áp lực, tránh trường hợp rơi vào trạng thái căng thẳng. Căng thẳng làm bạn trả lời phỏng vấn không trôi chảy, không tự nhiên và không thu hút người nghe thậm chí có thể làm bạn quên trình bày những nội dung mà bạn đã chuẩn bị kỹ trước đó. Thái độ tự tin giúp nhà tuyển dụng tin tưởng vào năng lực của bạn hơn, cảm nhận được khả năng và bản lĩnh của bạn qua lời nói, cử chỉ, ánh mắt.

  • Tìm hiểu văn hóa công ty, công việc mình ứng tuyển

Khi bạn đang làm việc thì bạn cũng cần phải biết mình đang làm gì và làm với mục đích gì, khi đi xem một buổi biểu diễn hay đi ăn tại một nhà hàng bạn cũng cần tìm hiểu trước về chất lượng, cách phục vụ hay đặc trưng của chúng. Khi đi phỏng vấn cũng vậy, bạn phải cần tìm hiểu trước văn hóa công ty bạn làm, công việc mà bạn ứng tuyển là gì, có những thuận lợi và khó khăn gì. Việc tìm hiểu như vậy giúp bạn đánh giá được công việc và công ty bạn ứng tuyển có thật sự phù hợp với mình không đồng thời giúp bạn hoàn thành tốt câu trả lời của mình trong trường hợp nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “ Bạn đã biết gì về công ty của chúng tôi?”.

  • Các điểm cần lưu ý khi đi phỏng vấn xin việc
    • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể là một kỹ năng thiết yếu hỗ trợ bạn trong phần diễn đạt ý tưởng của mình, có ngôn ngữ cơ thể tốt tạo cho bạn cảm giác tự tin, kiểm soát được hàng động của mình. Chỉ cần một hành động nhỏ không đẹp vô tình bạn đã bị mất điểm với nhà tuyển dụng. Vì vậy trong buổi phỏng vấn bạn cần ngồi thẳng lưng, không đảo mắt liên tục, không gác chân, không ngọ nguậy,…Tuy nhiên bạn cũng nên ngồi một cách tự nhiên không nên quá cứng nhắc tránh tạo cảm giác căng thẳng cho buổi phỏng vấn.

  • Không nói xấu công ty cũ

Khi được hỏi về lý do bạn nghỉ việc ở công ty cũ thì bạn không nên đưa ra những điểm không tốt về công ty cũ. Đó là điều cần tránh đầu tiên khi trả lời phỏng vấn. Làm như vậy không những bạn không được đánh giá cao mà ngược lại nhà tuyển dụng sẽ e ngại khi tuyển bạn vào làm công ty của họ, vì họ lo lắng rằng bạn cũng có thể nói xấu công ty của họ với người khác như vậy. Do đó bạn nên trình bày những điểm không phù hợp giữa bạn và công ty cũ và muốn thách thức bản thân ở những lĩnh vực mới, môi trường mới.

  • Chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Câu hỏi mà bạn đặt cần liên quan đến công việc đồng thời thể hiện được năng lực của bản thân và sự hiểu biết của bạn về công ty.

Hy vọng sau khi biết được đi phỏng vấn xin việc cần chuẩn bị gì bạn có thể tự tin trả lời phỏng vấn cũng như tạo được ấn tượng tốt ban đầu với nhà tuyển dụng. Có sự chuẩn bị tốt sẽ giúp bạn thể hiện trôi chảy câu trả lời của mình, tăng tỷ lệ trúng tuyển vào vị trí công việc mà mình mong muốn.

Cách Trả Lời Phỏng Vấn Giới Thiệu Bản Thân

Sau khi tốt nghiệp điều đầu tiên mà đa số các bạn sinh viên nghĩ đến là tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp để làm. Nhưng các bạn khá e ngại và lo lắng không biết có vượt qua được vòng phỏng vấn gay go, làm sao để trả lời phỏng vấn một cách trôi chảy và ấn tượng nhất. Trong buổi phỏng vấn sẽ có rất nhiều câu hỏi hóc búa, một trong những câu hỏi đầu tiên để nhà tuyển dụng đánh giá một cách tổng quát về năng lực và kỹ năng của bạn đó là “Em hãy giới thiệu bản thân của mình”. Vậy để lấy trọn điểm phần này và gây được ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng các bạn cần biết cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân sao cho hấp dẫn, logic và đầy đủ thông tin.

Các nội dung cần có trong bài giới thiệu

Lời cảm ơn

Trước khi bắt đầu trả lời câu hỏi bạn nên gửi lời cảm ơn đến người tuyển dụng. Lời cảm ơn là yếu tố cần thiết, nếu không có lời cảm ơn người nghe sẽ cảm giác bạn hơi thiếu lịch sự, không tinh tế. Cảm ơn giúp cho nhà tuyển dụng thấy được thái độ cầu thị của bạn với công việc. Khi được gọi đi phỏng vấn nghĩa là bạn đã có được 50% cơ hội vì vậy cần tạo cho nhà tuyển dụng một cảm giác hài lòng nhất định về bạn trước khi bắt đầu vào nội dung chính của cuộc phỏng vấn.

Giới thiệu các thông tin cá nhân

Đừng chủ quan mà nghĩ rằng vì nhà tuyển dụng đang xem CV của bạn nên giới thiệu một cách sơ sài những nội dung đã có trong CV, bạn vẫn nên giới thiệu lại tất cả một lần nữa các thông tin bao gồm: Họ và tên, năm sinh, quê quán, địa chỉ thường trú, chuyên ngành tốt nghiệp, các kỹ năng tin học, tiếng Anh, bằng cấp…

Giới thiệu về kinh nghiệm làm việc

Nên trình bày một cách rõ ràng và ngắn gọn về kinh nghiệm làm việc của bản thân, không nên nói quá dài dòng và cụ thể về từng công việc mà hãy nhấn mạnh vào những công việc mà bạn làm tốt nhất.

Mục tiêu nghề nghiệp

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn phải thể hiện các ý tương tự như trong CV nhưng bạn nên dùng văn nói để diễn tả lại một cách sinh động, thu hút người nghe. Không nên đọc nguyên văn lại mục tiêu nghề nghiệp trong CV sẽ gây cảm giác nhàm chán cho nhà tuyển dụng.

Trong mục tiêu nghề nghiệp cần có các nội dung chính sau: Mục tiêu phát triển bản thân, mục tiêu phát triển nghề nghiệp và vị trí công việc trong tương lai, mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Bạn có thể làm cho câu trả lời của mình thu hút, thuyết phục hơn bằng cách sử dụng thêm một số câu nói của những nhà khoa học, vật lý, những diễn giả nổi tiếng…

Phong cách và thái độ khi giới thiệu bản thân

Ngoài cách diễn đạt hay nội dung câu trả lời của bạn thì cái mà nhà tuyển dụng nhìn thấy chính là phong thái trả lời của bạn. Khi bạn trả lời một cách tự tin, đầy năng lượng cùng với cách diễn đạt rõ ràng thì bài giới thiệu của bạn sẽ trở nên hấp dẫn người nghe hơn. Những điểm bạn cần chú ý:

Ánh mắt: Ánh mắt của bạn nên nhìn vào nhà tuyển dụng để tạo sự tương tác, giúp nhà tuyển dụng tập trung hơn vào câu trả lời của bạn, nhưng chú ý không nên nhìn chăm chăm vào họ quá lâu trong một thời gian liên tiếp sẽ gây cảm giác khó chịu cho họ. Ánh mắt của bạn cần giữ yên, không đảo qua đảo lại liên tục vì nó thể hiện sự lúng túng, run sợ và làm cuộc phỏng vấn căng thẳng hơn.

Thái độ: Bạn cần thể hiện một thái độ cầu thị, thiện chí muốn làm ở vị trí này của công ty, thái độ là công cụ quan trọng của ứng viên thông qua đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được mức độ tận tâm của bạn với công việc.

Biết được cách trả lời phỏng vấn giới thiệu bản thân một cách ấn tượng sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng ngay từ câu hỏi đầu tiên, cơ hội trúng tuyển của bạn cũng sẽ cao hơn. Do đó, hãy chuẩn bị cho mình câu trả lời tốt nhất trước khi tham gia phỏng vấn nhé.

Kỹ Năng Làm Việc Nhóm Của Sinh Viên

Ngay từ khi bước chân vào môi trường Đại học, các bạn sinh viên sẽ phải làm quen với những cách học mới, những kiến thức mới về ngành nghề mình theo học. Bên cạnh đó, các bạn còn phải tập quen với những buổi thuyết trình, những bài tập nhóm,… Vậy để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao thì các bạn phải có kỹ năng làm việc nhóm. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn rèn luyện về kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên giúp mang lại hiệu quả.

  1. Nhóm là gì? Thế nào là làm việc nhóm

Nhóm là một tập hợp nhiều cá nhân có các kỹ năng bổ sung cho nhau, cùng làm việc với mục đích chung, hỗ trợ nhau để cùng đạt được mục tiêu ấy. Một nhóm không đơn thuần là việc tập hợp nhiều người, mà các thành viên đều phải có mối liên hệ với nhau, đóng vai trò quan trọng như nhau, phụ thuộc lẫn nhau để có thể hoàn thành được phần việc của mình cũng như cùng nhau tiến tới mục tiêu đề ra. Vì thế trong nhóm phải có sự tương tác, trao đổi giữa các thành viên với nhau và với nhóm trưởng để thống nhất ý kiến, nhiệm vụ.

Tùy vào lý do hình thành nhóm mà có những nhóm sẽ hoạt động trong khoảng thời gian dài nhưng có nhiều nhóm thì lại chỉ vận hành ở một thời điểm nhất định. Làm việc nhóm đòi hỏi các thành viên đều phải làm việc dựa trên tinh thần đồng đội, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Điều quan trọng là phải làm sao cho tất cả mọi người đều tin rằng sự cống hiến của mình cho tập thể là xứng đáng, là hữu ích, năng lực của mỗi người sẽ được ghi nhận và đánh giá đúng đắn, kết quả đạt được phải xứng đáng với tâm huyết đã bỏ ra và không có sự nhập nhằng ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi người.

  • Kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên đạt hiệu quả

2.1 Biết cách lắng nghe

Nhóm là tập hợp của nhiều cá nhân, vì thế không tránh khỏi tình huống trái chiều ý kiến. Vậy kỹ năng lắng nghe là vô cùng cần thiết nhằm thể hiện sự tôn trọng ý kiến của người khác. Có thể nói, sinh viên là thế hệ trẻ năng động, sáng tạo vì thế việc các bạn biết lắng nghe ý kiến đóng góp từ đồng đội sẽ giúp bạn nhìn nhận được điểm tốt và chưa tốt của mình, cùng nhau thảo luận, đóng góp để có kết quả làm việc hiệu quả.

2.2 Kỹ năng tổ chức, phân công công việc

Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng đặc biệt là các bạn sinh viên đảm nhiệm vị trí nhóm trưởng. Một nhóm thì không thể thiếu người dẫn dầu, người trưởng nhóm phải biết cách tổ chức làm việc nhóm, triển khai khối lượng công việc từ đó tiến hành trao đổi với các thành viên khác để phân công công việc cụ thể và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhóm. Lưu ý, phân chia khối lượng công việc nên đồng đều giữa các thành viên để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ công việc.

  • Kỹ năng thuyết phục, trình bày

Vì là làm việc theo nhóm nên bạn cũng cần trình bày ý kiến, quan điểm của bản thân, đưa ra những lý lẽ, chia sẻ những nguồn thông tin hay kiến thức bạn có để thuyết phục mọi người, từ đó cùng nhau tìm ra cách giải quyết vấn đề đúng đắn nhất.

  • Tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau

Là một nhóm cùng làm việc thì sự tôn trọng lẫn nhau là điều cần thiết để tất cả các thành viên đều cảm thấy mình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiến tới mục đích chung. Đồng thời, để đảm bảo hoàn thành được tiến độ công việc, các thành viên cần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, điều này sẽ thúc đẩy tiến độ công việc được trôi chảy và góp phần gắn kết các cá nhân trong nhóm thành một khối thống nhất, bền vững.

  • Có trách nhiệm với công việc của mình

Khi làm việc trong một nhóm thì trách nhiệm với công việc của bạn lại càng tăng thêm, bởi khi bạn làm việc độc lập dù kết quả tốt hay xấu thì cũng chỉ mình bạn bị ảnh hưởng, nhưng khi đã gắn với một nhóm thì hậu quả sẽ là cả đội cùng gánh. Do đó, bạn cần có sự chu đáo, tập trung để hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, tránh ỷ lại vào các bạn khác mà gây ảnh hưởng đến cả một tập thể.

Sau khi đọc bài viết, ắt hẳn các bạn đã hiểu thế nào là làm việc nhóm, đặc biệt là trang bị cho mình những kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên để có được hiệu quả cao nhất. Hy vọng bạn có thể trau dồi cho mình những kỹ năng hữu ích này vì chúng sẽ giúp bạn rất nhiều trên suốt chặng đường sinh viên cũng như sau khi ra trường.