Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt trong nhiều năm qua nhằm giúp người dân có việc làm, cuộc sống ổn định góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng bền vững của thành phố.
Chị Nguyễn thị Bảy ngụ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 sào đất, nhưng hơn 2 năm trước nhà nước thu hồi đất để mở khu công nghiệp, hai vợ chồng chỉ quen làm nông hồi giờ nên không biết làm gì để sống. Nên mấy tháng trời toàn phải sống bằng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tôi định nhận mối quần áo về nhà may gia công cho người ta, nhưng ngặt nỗi tôi không biết may vá gì hết, không có máy may, không có mối gia công,… Nhiều khó khăn ban đầu không biết xoay xở thề nào. May mắn là sau đó tôi được hội nông dân, phòng kinh tế huyện Nhà Bè hỗ trợ học nghề may miễn phí 3 tháng, rồi tôi học xong còn được vay vốn mua máy may, giới thiệu mối gia công hàng may mặc. Lúc trước mới có một máy nay tôi đã sắm thêm máy thêu, máy vắt sổ,… Thu nhập cũng ổn định, khoảng trên 10 triệu đồng/1 tháng.” Bà Nguyễn thị Ngọc Vân, phó phòng kinh tế huyện Nhà Bè phát biểu: “Nhà Bè đang trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng, nhưng nhiều anh chị em lao động vẫn muốn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng đó, phòng đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức dạy nghề miễn phí cho người lao động. Tuy nhiên nhiều người lao động lại có tâm lí ngại đi học nghề mà chỉ thích đi làm công nhân, làm thuê công trường,… Nên số lao động chưa qua đào tạo nghề khó xin việc làm mà công việc thời vụ cũng không ổn định.”
Với mục tiêu đào tạo nghề có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề cho 55.000 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 và giải quyết việc làm sau khi học nghề cho khoảng 80% lao động. Năm 2017 thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 12.000 lao động học nghề và tìm việc làm phù hợp. Những đối tượng được xét duyệt đào tạo nghề miễn phí được hỗ trợ chi phí tối đa 6 triệu đồng và tối thiểu là 2 triệu đồng/ 1 người, những người ở xa được hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền xăng; trong đó ưu tiên lao động thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật,… Tập trung ở các huyện ngoại thành mà người dân còn tham gia sản xuất nông nghiệp như Củ Chi, Hoóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Ông Nguyễn Văn Lầm, chủ cơ sở sản xuất bao bì-cơ khí Hoà Phát cho biết: “Người lao động được đào tạo một khoá học nghề ngắn hạn là điều kiện cần để doanh nghiệp có thể tuyển dụng vào làm việc, nhưng khi vào làm công nhân sẽ được bồi dưỡng chuyên môn thêm chứ doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại từ đầu vì chất lượng cơ sở dạy nghề, trường trung cấp nghề của thành phố về cơ bản đảm bảo chất lượng đầu ra nên doanh nghiệp chúng tôi khá yên tâm.”
Ông Nguyễn Trọng Liêm, chi cục trưởng phát triển nông nghiệp thành phố cho biết: “Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành phố hoàn toàn có đủ điều kiện để đào tạo lao động chất lượng cao để phát triển nền nông nghiệp xanh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thon mới vì thành phố có sẵn đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, chuyên viên giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết và việc hình thành các trung tâm khuyến nông, trung tâm sinh học, trung tâm dạy nghề của ban nông nghiệp công nghệ cao, hội nông dân thành phố, trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp,… Thành phố còn hợp tác với nhiều tổ chức khoa học, các viện, trung tâm nghiên cứu thuộc nhiều trường đại học uy tín trong cũng như ngoài nước để nhờ phía bạn tư vấn khi thành phố yêu cầu.”
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố phát biểu: “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn, tăng thêm thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng sống, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng nghèo đói. Tuy vậy, cần phải hoàn thiện, cập nhật liên tục giáo trình đào tạo nghề sát thực tế, phải đào tạo đúng người có nhu cầu, đúng trọng tâm, đảm bảo đầu ra là phải có việc làm ngay chứ không được đào tạo chạy theo số lượng, chạy theo thành tích.”