Hoạch định là gì? 6 bước hoạch định nghề nghiệp trong tương lai

Hoạch định kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai là một việc làm thật sự cần thiết mà bạn nên bắt tay vào thực hiện ngay bây giờ. Điều này giúp bạn biết được mình đang muốn gì, mình có năng lực gì và vị trí công việc ra sao trong tương lai. Nhưng trước hết, bạn cần tìm hiểu xem hoạch định là gì? Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Hoạch định là gì?

Hoạch định là một tiến trình trong đó người lên kế hoạch cần xác định và lựa chọn được mục tiêu cho bản thân và vạch ra những hành động cần làm để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Hoạch định được xem là một kim chỉ nam dẫn đường cho bất cứ công việc nào mà bạn cần làm. Trong nghề nghiệp cũng vậy, hãy vạch ra cho mình một chiến lược công việc rõ ràng và chi tiết, một mục tiêu nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Điều này giúp bạn nhìn rõ được “con đường” mà mình đang đi và bản thân cần làm gì để hoàn thành mục tiêu đó.

6 bước hoạch định kế hoạch trong tương lai

Nhận định về bản thân

Bước đầu tiên quan trọng bạn cần làm đó là hiểu và đánh giá đúng năng lực bản thân phù hợp hay đam mê với ngành nghề nào. Bởi để gắn bó lâu dài với nghề nghiệp và thăng tiến trong công việc bạn cần có sự kết hợp giữa đam mê, giá trị bản thân và năng lực cá nhân. Bạn cần phải nhận định về bản thân như sau:

  • Niềm đam mê: Bạn thích làm gì? Bạn đam mê được làm công việc gì?…
  • Giá trị bản thân: Tính cách nào của bạn nổi trội nhất? Điều gì có ý nghĩa quan trọng trong nhất trong cuộc sống của bạn?…
  • Điểm mạnh, điểm yếu: Bạn làm tốt những việc gì? Bạn không thích công việc gì? Kỹ năng nào bạn giỏi nhất?…

Tìm hiểu về nhu cầu nghề nghiệp

Đánh giá bản thân thôi chưa đủ, bạn cần phải tìm hiểu về nhu cầu nghề nghiệp và ngành nghề bạn đã chọn. Bạn hãy tìm hiểu sâu về ngành nghề đó: Sẽ làm việc gì? Làm việc ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp cao hay không?…Để biết được triển vọng của nghề và xác định hướng đi cho chính xác.

Đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch

Trong cuộc sống, khi làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào đi nữa thì việc cần làm nhất là bạn phải đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch hành động. Việc làm này sẽ giúp bản thân có một mục tiêu cuối cùng để theo đuổi. Bạn cần cân nhắc và xác định những yếu tố ảnh hưởng bên trong cũng như bên ngoài, bước tiếp theo là lên kế hoạch một cách chi tiết. Hãy lên kế hoạch học tập, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, xác định mục tiêu và đặt ra thời gian hoàn thành công việc. Cuối cùng là bạn phải cam kết với bản thân hoàn thành hết công việc mà mình đặt ra.

Phát triển các kỹ năng cần thiết

Để đạt hiệu quả với một công việc nào đó, ngoài kỹ năng chuyên môn đã được dạy trong trường học, bạn cần rèn luyện thêm những kỹ năng mềm phục vụ công việc: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…Một người có trình độ chuyên môn tốt và kỹ năng mềm giỏi thì sẽ thăng tiến và tiến xa hơn trong công việc mà mình theo đuổi. Vì vậy, hãy phát triển các kỹ năng cần thiết trong việc đưa ra kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân.

Tìm công việc như ý muốn

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và hoàn toàn tự tin về năng lực bản thân, bước tiếp theo đó chính là tìm việc. Tuy nhiên, để tìm được một công ty phù hợp thì không phải là chuyện dễ dàng. Bạn cần xác định được vị trí công việc và công ty mà mình muốn ứng tuyển, tìm hiểu môi trường làm việc ở nơi đó ra sao.

Quản lý công việc bản thân

Khi đã có một công việc ổn định, để không bị “dậm chân tại chỗ”, bạn cần phải biết cách quản lý sự nghiệp của mình. Quản lý sự nghiệp giúp bạn kiểm soát được công việc của bản thân, đặt ra một kế hoạch thăng tiến công việc trong tương lai mà bạn mong muốn. Tuy nhiên, nếu chưa hài lòng về công việc đang làm, bạn có thể xem xét tìm một môi trường mới phù hợp với bản thân hơn.

Hoạch định nghề nghiệp trong tương lai là một việc làm hết sức quan trọng, giúp bạn xác định đúng hướng công việc phù hợp với bản thân. Xác định rõ được các bước trong bản hoạch định này sẽ giúp bạn tiến gần đến thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, đừng quá đam mê vào công việc, hãy học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giúp bạn có một cuộc sống ý nghĩa nhé.

Điểm yếu của bạn là gì? Cách trả lời để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng

“Hãy nói về điểm yếu của bạn” – đây là câu hỏi mà người tuyển dụng rất thích hỏi các ứng viên của mình. Họ muốn biết được rằng những điểm yếu đó có ảnh hưởng đến công việc hay cản trở quá trình bạn làm việc ở công ty hay không. Nên nhớ rằng, bất kì ai dù tài giỏi thế nào cũng sẽ có cho mình một vài điểm yếu. Chính vì thế, đừng bao giờ trả lời với nhà tuyển dụng rằng:” Tôi không có một khuyết điểm nào cả”. Trả lời như thế đồng nghĩa với việc bạn hủy đi cơ hội làm việc của mình tại công ty.

Người tuyển dụng mong muốn được nghe một câu trả lời trung thực nhưng khéo léo từ bạn. Hãy đảm bảo rằng, câu trả lời mà bạn sắp nói ra sẽ làm hài lòng và được người phỏng vấn trao cho bạn một cơ hội làm việc tại công ty. Vậy khi được hỏi câu hỏi này bạn sẽ phải ứng phó ra sao? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những bí quyết cho bạn.

Trả lời trung thực

Để vượt qua câu hỏi hóc búa này một cách dễ dàng, điều đầu tiên bạn cần làm đó là hãy trả lời một cách trung thực. Đừng bao giờ lừa dối và che mắt nhà tuyển dụng bằng câu trả lời rằng bạn không có điểm yếu nào cả. Hãy học cách nói về những khuyết điểm của mình một cách khéo léo nhất có thể. Người phỏng vấn sẽ nghĩ bạn là người thành thật và biết nhận những khuyết điểm về mình.

Đưa ra điểm yếu và cách bạn khắc phục

Đây cũng là một cách trả lời “ăn điểm tuyệt đối” trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn thành thật trong việc đưa ra những khuyết điểm của bản thân và nỗ lực để cải thiện nó từng ngày. Đây là một trong những tính cách ở nhân viên mà người tuyển dụng cần. Chẳng hạn, bạn có thể trả lời:” Tôi có một khuyết điểm là ngại diễn thuyết trước đám đông. Vì thế, tôi đang tham gia một khóa học nói trước công chúng và tham gia câu lạc bộ để cải thiện”.

Đây thật sự là một cách trả lời không ngoan và khéo léo, bạn đã chứng minh được rằng mình là một người có nỗ lực vượt qua những khó khăn trong công việc và mong muốn đạt được một kết quả tốt trong tương lai.

Nói về điểm yếu nhưng đó cũng là điểm mạnh của bạn

Nói về điểm yếu nhưng đó cũng là điểm mạnh là cách thường được nhiều ứng viên dùng để ứng phó với câu hỏi:” Điểm yếu của bạn là gì?”. Đối với cách trả lời này, bạn sẽ gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng vì họ nghĩ rằng ngay cả khi có điểm yếu thì đó cũng là điểm mạnh của bạn. Chẳng hạn bạn có thể trả lời:” Khuyết điểm lớn nhất của tôi trong công việc là quá cầu toàn. Tôi mong muốn tất cả mọi thứ đều được làm một cách hiệu quả và tốt nhất. Tôi biết, đôi khi đó cũng là một điểm mạnh nhưng đôi lúc chỉ một chút sai sót thôi tôi cũng cảm thấy không hài lòng về điều đó. Đôi khi tôi dành rất nhiều thời gian để kiểm tra lại nhiều lần một công việc. Nhưng tôi đã biết cách khắc phục bằng việc hãy làm thận trọng ngay từ đầu và tin tưởng vào bản thân, vào những công việc mình đang làm”.

Tuy nhiên, bạn phải biết tiết chế khi trả lời theo cách này. Vì nhiều lúc trả lời như thế cũng bị coi là quá lố và “mất điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.

Nói về điểm yếu không liên quan đến công việc

Trả lời một cách trung thực không đồng nghĩa với việc có bao nhiêu điểm yếu bạn cũng kể ra. Hãy nói cho nhà tuyển dụng biết những khuyết điểm của bạn không liên quan đến công việc. Người phỏng vấn sẽ cho rằng những mặt không tốt của bạn sẽ không ảnh hưởng đến công việc và có thể châm chước bỏ qua những thiếu sót đó. Chẳng hạn, bạn có thể trình bày:” Tôi không biết hát, nên có thể sẽ ít đóng góp cho công ty trong các buổi liên hoan, nhưng tôi có thể nhảy…”

Không nên nói chung chung

Hãy nêu một cách cụ thể những điểm yếu mà bạn đang có. Nhà tuyển dụng thường rất thích một câu trả lời rõ ràng, mạch lạc hơn là một cách trả lời hời hợt khi phỏng vấn. Hãy chứng minh cho người tuyển dụng thấy rằng bạn là một người có thiện chí và mong muốn làm việc ở công ty.

Bất kể trong trường hợp nào, mục tiêu cuối cùng của bạn là trả lời những câu hỏi làm sao để tạo ấn tượng và có cơ hội làm việc tại công ty. Tuy nhiên, hãy khéo léo trả lời câu hỏi một cách thông minh nhưng vẫn trung thực và chân thành trong mắt nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, bạn hãy tạo cho mình một phong thái trả lời tự tin, chuyên nghiệp, chắc chắn rằng buổi phỏng vấn của bạn sẽ thành công.