Hoạch định là gì? 6 bước hoạch định nghề nghiệp trong tương lai

Hoạch định là gì? 6 bước hoạch định nghề nghiệp trong tương lai

Hoạch định kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai là một việc làm thật sự cần thiết mà bạn nên bắt tay vào thực hiện ngay bây giờ. Điều này giúp bạn biết được mình đang muốn gì, mình có năng lực gì và vị trí công việc ra sao trong tương lai. Nhưng trước hết, bạn cần tìm hiểu xem hoạch định là gì? Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Hoạch định là gì?

Hoạch định là một tiến trình trong đó người lên kế hoạch cần xác định và lựa chọn được mục tiêu cho bản thân và vạch ra những hành động cần làm để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Hoạch định được xem là một kim chỉ nam dẫn đường cho bất cứ công việc nào mà bạn cần làm. Trong nghề nghiệp cũng vậy, hãy vạch ra cho mình một chiến lược công việc rõ ràng và chi tiết, một mục tiêu nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Điều này giúp bạn nhìn rõ được “con đường” mà mình đang đi và bản thân cần làm gì để hoàn thành mục tiêu đó.

6 bước hoạch định kế hoạch trong tương lai

Nhận định về bản thân

Bước đầu tiên quan trọng bạn cần làm đó là hiểu và đánh giá đúng năng lực bản thân phù hợp hay đam mê với ngành nghề nào. Bởi để gắn bó lâu dài với nghề nghiệp và thăng tiến trong công việc bạn cần có sự kết hợp giữa đam mê, giá trị bản thân và năng lực cá nhân. Bạn cần phải nhận định về bản thân như sau:

  • Niềm đam mê: Bạn thích làm gì? Bạn đam mê được làm công việc gì?…
  • Giá trị bản thân: Tính cách nào của bạn nổi trội nhất? Điều gì có ý nghĩa quan trọng trong nhất trong cuộc sống của bạn?…
  • Điểm mạnh, điểm yếu: Bạn làm tốt những việc gì? Bạn không thích công việc gì? Kỹ năng nào bạn giỏi nhất?…

Tìm hiểu về nhu cầu nghề nghiệp

Đánh giá bản thân thôi chưa đủ, bạn cần phải tìm hiểu về nhu cầu nghề nghiệp và ngành nghề bạn đã chọn. Bạn hãy tìm hiểu sâu về ngành nghề đó: Sẽ làm việc gì? Làm việc ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp cao hay không?…Để biết được triển vọng của nghề và xác định hướng đi cho chính xác.

Đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch

Trong cuộc sống, khi làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào đi nữa thì việc cần làm nhất là bạn phải đặt ra mục tiêu và lên kế hoạch hành động. Việc làm này sẽ giúp bản thân có một mục tiêu cuối cùng để theo đuổi. Bạn cần cân nhắc và xác định những yếu tố ảnh hưởng bên trong cũng như bên ngoài, bước tiếp theo là lên kế hoạch một cách chi tiết. Hãy lên kế hoạch học tập, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, xác định mục tiêu và đặt ra thời gian hoàn thành công việc. Cuối cùng là bạn phải cam kết với bản thân hoàn thành hết công việc mà mình đặt ra.

Phát triển các kỹ năng cần thiết

Để đạt hiệu quả với một công việc nào đó, ngoài kỹ năng chuyên môn đã được dạy trong trường học, bạn cần rèn luyện thêm những kỹ năng mềm phục vụ công việc: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…Một người có trình độ chuyên môn tốt và kỹ năng mềm giỏi thì sẽ thăng tiến và tiến xa hơn trong công việc mà mình theo đuổi. Vì vậy, hãy phát triển các kỹ năng cần thiết trong việc đưa ra kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân.

Tìm công việc như ý muốn

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và hoàn toàn tự tin về năng lực bản thân, bước tiếp theo đó chính là tìm việc. Tuy nhiên, để tìm được một công ty phù hợp thì không phải là chuyện dễ dàng. Bạn cần xác định được vị trí công việc và công ty mà mình muốn ứng tuyển, tìm hiểu môi trường làm việc ở nơi đó ra sao.

Quản lý công việc bản thân

Khi đã có một công việc ổn định, để không bị “dậm chân tại chỗ”, bạn cần phải biết cách quản lý sự nghiệp của mình. Quản lý sự nghiệp giúp bạn kiểm soát được công việc của bản thân, đặt ra một kế hoạch thăng tiến công việc trong tương lai mà bạn mong muốn. Tuy nhiên, nếu chưa hài lòng về công việc đang làm, bạn có thể xem xét tìm một môi trường mới phù hợp với bản thân hơn.

Hoạch định nghề nghiệp trong tương lai là một việc làm hết sức quan trọng, giúp bạn xác định đúng hướng công việc phù hợp với bản thân. Xác định rõ được các bước trong bản hoạch định này sẽ giúp bạn tiến gần đến thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, đừng quá đam mê vào công việc, hãy học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giúp bạn có một cuộc sống ý nghĩa nhé.