Những Giải Pháp Cấp Bách Để Tăng Năng Suất Lao Động Ở Nước Ta

Năng suất lao động việc làm nước ta được đánh giá rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế này đặt ra chúng ta phải có những biện pháp căn cơ, toàn diện để cải thiện năng suất lao động nhanh chóng và bền vững, đây được xem là vấn đề sống còn nhằm tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Dưới đây là các chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, doanh nhân.

Năng suất lao động được cải thiện sẽ giúp GDP tăng trưởng cao hơn. Ảnh baodauthau.vn

Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Cần đầu tư 3 yếu tố là vốn-khoa học công nghệ-con người”

Để tăng chất lượng, năng suất các doanh nghiệp cần thiết lập các mục tiêu như: Tập trung đầu tư chất xám vào ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều lợi thế để tạo tác dụng lan toả sâu rộng đến các ngành liên quan khác. Bộ khoa học và công nghệ tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên gia để giúp doanh nghiệp phát triển văn hoá cải tiến năng suất, nâng cao ý thức lao động công nghiệp. Ngoài ra nhà nước cũng nên tăng cường tuyên truyền, khích lệ tinh thần sáng tạo, cải tiến thiết bị, loại bỏ thiết bị lạc hậu,… Để giải quyết cho bằng được yếu tố năng suất, chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp nên xây dựng lộ trình nâng cao năng suất theo từng năm cho công ty mình. Thêm vào đó doanh nghiệp phải có đầu ra ổn định, hàng hoá làm ra mà không bán được thì giá trị tăng thêm cũng không cao. Nên việc doanh nghiệp nước ta tham gia vào một chuỗi cung ứng của các tập đoàn nổi tiếng thế giới là một cách để nâng cao năng suất, tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng ổn định.

Phó Tổng Giám đốc Công ty may Bắc Giang Ông Nguyễn Văn Tứ phát biểu: “Cần có cơ chế để tạo động lực cho người lao động”

Từ thực tế nhiều năm điều hành công ty may, tôi xin đưa ra một số giải pháp: Theo tôi cần phải bố trí người có năng lực quản trị, năng lực chuyên môn và người quản lý đó phải qui tụ được nhân viên cấp dưới thỉ sẽ kéo theo hệ thống sản xuất tốt dần lên. Đào tạo người lao động có tay nghề, tác phong làm việc công nghiệp, phổ biến thường xuyên nội qui làm việc của công ty, các qui định về lao động, bảo hiểm của nhà nước. Chính sách lương, thưởng của công ty phải hợp lý, công bằng như công ty tôi có đặt ra mức lương tôi thiểu cho công nhân may là 4 triệu đồng/ 1tháng, tuy nhiên có nhiều người nhận mức lương 5, 7 triệu tuỳ theo năng lực. Công ty còn tặng thưởng xe máy, ti vi, điều hoà, tủ lạnh, máy quạt,… cho anh chị em có thành tích làm việc xuất sắc để động viên họ làm việc tốt hơn và gắn bó lâu dài với công ty.

Môi trường làm việc phải an toàn, thoải mái, hệ thống dây chuyền sản xuất phải hiện đại để tiết kiệm sức người, tăng năng suất, đáp ứng chất lượng hàng hoá .

 Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, : “Muốn tăng năng suất lao động phải hình thành xã hội sáng tạo”

Năng suất lao động là một trong các yếu tố thu hút nhà đầu tư, thể hiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà. Năng suất lao động chúng ta thấp có liên quan đến năng lực sáng tạo của người lao động, chủ doanh nghiệp. Đa phần người lao động làm việc trong môi trường chưa có tư tưởng khuyến khích sáng tạo, chưa được tự do sáng tạo. Ở nhiều địa phương, nhiều ngành khi người dân, doanh nghiệp tạo ra thiết bị gì mới nếu cơ quan quản lý không quản được thì bị cấm ngay. Điều này kiềm hãm sức sáng tạo xã hội, cần phải loại bỏ; muốn tăng năng suất lao động phải hình thành xã hội sáng tạo. Mọi ý tưởng, sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần có sự phản biện mang tính xây dựng và chúng ta nên trân trọng thành quả mà người dân, người lao động tạo ra.

Một trong những giải pháp cấp bách để thoát khoải vòng lẩn quẩn năng suất lao động thấp là phải giải quyết nút thắt cổ chai về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng. Vì lâu nay chúng ta chỉ xử lý hiện tượng mà không giải quyết căn bản nguồn gốc vấn đề. Đến giờ này chúng ta buộc phải thay đổi để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững đủ sức cạnh tranh với những nền kinh tế  khu vực cũng như trên thế giới.